MỤC LỤC
Trầm cảm là gì ?
Trầm cảm là gì ? (Depression) hay còn được gọi là một rối loạn về cảm xúc, có đặc điểm chung là mang đến những cảm giác buồn bã, mất hứng thú kéo dài dẫn đến có ý định gây ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân hoặc người thân.
Dù trong cùng một hoàn cảnh, có những người bị mắc chứng trầm cảm trong khi số khác thì không. Việc tìm ra được nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt này tiếp tục là một nhiệm vụ quan trọng của các nhà nghiên cứu và các chuyên gia sức khoẻ tâm thần.
Cho tới nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể khẳng định được một cách chắc chắn tại sao một số người dễ mắc chứng trầm cảm hơn. Tuy nhiên, kết quả từ các nghiên cứu cho thấy chứng trầm cảm có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau: từ những khác biệt về thể chất và hoá học trong não bộ, cho tới các yếu tố đến từ môi trường và xã hội bên ngoài.
Do tính chất phức tạp như trên, việc chẩn đoán và điều trị trầm cảm vẫn còn là một thách thức. Thông qua việc tìm hiểu những nhân tố làm gia tăng nguy cơ trầm cảm, ta có thể bước đầu phát triển các chiến lược phòng và điều trị, đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân để nguy cơ trầm cảm ở mỗi người giảm xuống.
Khi có thêm hiểu biết về cơ chế hoạt động của chứng trầm cảm, các nhà nghiên cứu còn có thể dự đoán chính xác hơn những ai sẽ bị trầm cảm và theo thời gian chứng trầm cảm sẽ diễn biến ra sao.
Với nhiều thông tin trong tay hơn, các chuyên gia sức khoẻ tâm thần sẽ càng được chuẩn bị đầy đủ để có thể dự đoán hiệu quả hơn thân chủ sẽ có phản ứng ra sao sau khi trải qua các biện pháp trị liệu (ví dụ như sử dụng thuốc chống trầm cảm).
Nguyên nhân của chứng trầm cảm là gì ?
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 300 triệu người trên toàn cầu phải chung sống với chứng trầm cảm. Mặc dù tình trạng Trầm cảm của nhiều người giống nhau, nhưng mỗi người lại có thể mắc trầm cảm vì những lí do khác nhau.
Có những lí do ta không thể kiểm soát được như là di truyền, nhưng cũng có những yếu tố khác mà bạn có thể điều chỉnh, ví dụ như chế độ ăn uống. Mặc dù việc điều chỉnh không thể ngăn ngừa trầm cảm một cách chắc chắn, nó vẫn có thể giảm nguy cơ mắc xuống thấp hơn.
Việc nhận biết được những nhân tố gia tăng tỉ lệ trầm cảm ở bản thân vẫn sẽ có ích dù bạn có thể thay đổi được chúng hay không. Chúng ta nên nhớ rằng các nhà nghiên cứu vẫn đang trong quá trình tìm hiểu vai trò của các yếu tố này. Chính vì vậy, việc bản thân có một, hoặc thậm chí là nhiều yếu tố được coi là sẽ tăng tỉ lệ mắc trầm cảm không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ bị trầm cảm.
Chứng trầm cảm có thế xuất hiện ở mọi đối tượng, đa dạng cả về tuổi tác, giới tính, lẫn chủng tộc và giai cấp. Theo báo cáo năm 2017 của Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ (National Institute of Mental Health), có tới 17,3 triệu người trên toàn đất nước này bị trầm cảm. Tới năm 2018, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh của nước này (CDC) tiếp tục báo cáo con số trẻ em (từ 3 tới 17 tuổi) được chẩn đoán mắc trầm cảm lên đến 1,9 triệu người.
Yếu tố sinh học làm tăng nguy cơ bị trầm cảm
Mối liên hệ giữa các chất hoá học trong não bộ và chứng trầm cảm là một chủ đề gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học đã nhiều thập kỉ nay. Một số giả thuyết hiện nay cho rằng việc có quá ít một số chất dẫn truyền thần kinh (được tế bào não dùng để gửi tín hiệu cho nhau) có thể dẫn tới trầm cảm.
Ngược lại, cũng có những nhà nghiên cứu khác cho rằng chính chứng trầm cảm mới dẫn tới sự thiếu hụt trong các chất dẫn truyền kia. Đây có thể là một mối liên hệ hai chiều.
Tới nay, chúng ta đã biết rằng một số người trầm cảm sẽ thấy tốt hơn sau khi sử dụng những loại thuốc tác động tới các chất dẫn truyền thần kinh (ví dụ như thuốc chống trầm cảm). Tuy nhiên với các nhà nghiên cứu, từng đó là chưa đủ để có thể xác minh được mối liên hệ giữa các chất hoá học trong não bộ và chứng trầm cảm; vì với một số người, thuốc chống trầm cảm hoàn toàn không có tác dụng.
Trầm cảm do các yếu tố di truyền
Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng những người có thành viên trong gia đình bị trầm cảm cũng sẽ có nguy cơ trầm cảm cao hơn. Tuy nhiên, có nguy cơ mắc cao hơn không có nghĩa là chắc chắn sẽ mắc. Để chứng trầm cảm có thể khởi phát được, nhiều yếu tố khác cần phối hợp với nhau để thúc đẩy yếu tố di truyền gây ra trầm cảm.
Mặc dù vậy, vào năm 2019 sau khi được xuất bản trên American Journal of Psychiatry (tạp chí nghiên cứu bệnh tâm thần Hoa Kỳ), một công trình lớn nghiên cứu toàn bộ nhiễm sắc thể của con người đã chỉ ra rằng những người do di truyền mà dễ mắc chứng trầm cảm nghiêm trọng hơn có nguy cơ tự sát cao hơn khi gặp các rối loạn về tâm thần.
Mắc bệnh mãn tính dẫn đến chứng trầm cảm
Chứng trầm cảm khá phổ biến ở những người sẵn có bệnh mãn tính như đau nửa đầu, tiểu đường tuýp 2 hay đa xơ cứng. Các nghiên cứu cho thấy bệnh mãn tính có thể gây ra rối loạn sinh hoá, dẫn tới bị trầm cảm.
Người bị bệnh mãn tính còn có thể vì đau buồn do hoàn cảnh bệnh tật mà trầm cảm, đặc biệt là khi chất lượng cuộc sống giảm sút, sinh hoạt thường ngày bị ảnh hưởng, phải chịu đựng những cơn đau dai dẳng và thậm chí là đối mặt với cái chết cận kề.
Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, những người bị một chứng rối loạn tâm thần sẽ dễ đi kèm những chứng khác. Ví dụ, rối loạn lo âu và rối loạn trầm cảm rất hay đi đôi với nhau. Mặc dù có thể chẩn đoán được nhiều chứng rối loạn cùng lúc và chúng có thể ảnh hưởng lẫn nhau, việc điều trị đôi khi yêu cầu phải có những biện pháp riêng biệt cho từng loại rối loạn.
Thay đổi nội tiết tố (hoóc-môn)
Một số thay đổi nội tiết tố, như khi đến kỳ kinh nguyệt, mang thai, sau sinh, hay tiền mãn kinh, có thể làm gia tăng nguy cơ trầm cảm.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ ước tính cứ 9 phụ nữ ở đất nước này thì có 1 người mắc chứng trầm cảm sau sinh. Một nghiên cứu khác vào năm 2010 cũng chỉ ra rằng trong số những người cha vừa có con được một năm, khoảng 4% trong số này thừa nhận mình bị trầm cảm.
Bên cạnh đó, chứng trầm cảm còn phổ biến với những người có các bệnh tuyến giáp. Mặc dù các các triệu chứng thường xuất hiện ở người bị suy giáp (giảm chức năng tuyến giáp), nhưng những người bị cường giáp (tuyến giáp sản sinh nội tiết tố quá mức) cũng có thể bị lo âu và trầm cảm.
Chứng trầm cảm còn có thể có nguyên nhân đến từ môi trường
Bị bạo hành và những sang chấn tâm lý khi còn nhỏ
Những sang chấn tâm lý thời thơ ấu là một yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm, được các nhà khoa học nghiên cứu và tìm hiểu tương đối kĩ càng. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu (Adverse Childhood Experiences), viết tắt là ACEs, sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính về thể chất lẫn tâm thần, bao gồm chứng trầm cảm.
Các nghiên cứu về ACEs vẫn còn đang được tiếp tục, nhưng cho tới nay các nhà khoa học đã xác nhận được mối liên hệ chặt chẽ giữa một số loại trải nghiệm thời thơ ấu với chứng trầm cảm sau này.
Trung tâm kiểm soát bệnh tập (CDC) Hoa Kỳ chia ACEs thành ba nhóm:
– Bạo hành: thể chất, tinh thần, tình dục
– Bất ổn trong gia đình: bạo lực gia đình, ly hôn, lạm dụng chất kích thích, cha/mẹ bị rối loạn tâm thần, cha/mẹ phải ngồi tù
– Thờ ơ: nhu cầu vật chất, nhu cầu tinh thầnĐiểm ACEs của mỗi người có thể được dùng để dự đoán nguy cơ nghèo đói, mắc các bệnh thể chất lẫn tâm thần, hoặc thậm chí là cả nguy cơ chết sớm. Điểm ACEs càng cao thì dễ có nguy cơ gặp phải những điều trên. Một người có số điểm ACEs từ 4 trở lên thường sẽ có mức rủi ro cao nhất.
Theo các nhà nghiên cứu, não của trẻ em bị ngược đãi có thể bị biến đổi cả về mặt hình dạng lẫn mạng lưới giao tiếp. Không chỉ có não bộ, chức năng thần kinh nội tiết của những người chịu nhiều căng thẳng khi còn nhỏ cũng sẽ bị biến đổi theo.
Một kết quả nghiên cứu khác của bệnh viện đa khoa Massachusetts vào năm 2019 còn đề xuất rằng, những trải nghiệm gây sang chấn tâm lý trong ba năm đầu đời thậm chí có thể thay đổi cả DNA của trẻ.
Sự đói nghèo
Theo một khảo sát vào năm 2015 của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Association), 64% người trưởng thành ở đất nước này nói rằng chuyện tiền bạc là một nguyên nhân lớn gây ra nhiều căng thẳng. Những người thuộc diện nghèo có tỉ lệ mắc trầm cảm cao gấp đôi người trên mức nghèo hoặc cận nghèo.
Giữa khó khăn tài chính và các chứng rối loạn tâm thần tồn tại một mối quan hệ hai chiều. Càng nghèo thì càng có nguy cơ bị trầm cảm. Và ngược lại, việc bị rối loạn tâm thần khiến họ vừa không thể làm việc hiệu quả, vừa không tìm được sự giúp đỡ từ người khác hay từ các dịch vụ cộng đồng, làm việc thoát nghèo trở nên khó khăn hơn bội phần.
Có một số nghiên cứu và chương trình thử nghiệm chỉ ra rằng, khi những người bị rối loạn tâm thần được hỗ trợ về tài chính, các triệu chứng trầm cảm và lo âu của họ đã có dấu hiệu cải thiện.
Tác động trực tiếp từ môi trường sống xung quanh
Sức khoẻ tâm thần cũng có thể phụ thuộc vào nơi chúng ta sinh sống. Ví dụ, một số người có thể thấy trầm cảm vào một vài tháng nhất định trong năm. Hiện tượng này được gọi là chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (seasonal affective disorder – SAD).
Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng, tiếp xúc với sự ô nhiễm hoặc với một số chất cũng có thể dẫn tới trầm cảm. Ví dụ, một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc phơi nhiễm với chì khi còn nhỏ và các vấn đề sức khoẻ tâm thần sau này.
Kết quả của một nghiên cứu khác cũng cho thấy, khi bước đến tuổi 18, những đứa trẻ lớn lên ở khu vực không khí ô nhiễm có tỉ lệ bị trầm cảm hoặc được chẩn đoán là bị rối loạn hành vi cao hơn.
Ngoài những ảnh hưởng tiêu cực, môi trường cũng có thể giúp chúng ta cải thiện sức khoẻ tâm thần. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra được lợi ích của việc hoà mình vào thiên nhiên khi chống chọi với trầm cảm. Cụ thể hơn nữa, một nghiên cứu năm 2019 cho thấy những đứa trẻ dành nhiều thời gian với thiên nhiên có sức khoẻ tâm thần tốt hơn khi lớn lên.
Yếu tố xã hội
Bên cạnh những yếu về mặt sinh học hay môi trường, các yếu tố mang tính xã hội như tính cách, những căng thẳng và mâu thuẫn với người khác, hay thậm chí cả việc sử dụng mạng xã hội cũng có thể gia tăng nguy cơ bị trầm cảm.
Tính cách
Một số đặc điểm tính cách, như sự tự ti, bi quan, nhạy cảm quá mức, khắt khe với bản thân hay sự cầu toàn, đều có thể gia tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm và các vấn đề sức khoẻ tâm thần khác, như rối loạn lo âu và rối loạn ăn uống
Ngược lại, việc tìm hiểu những đặc điểm tính cách giảm nguy cơ trầm cảm hơn đang được các nhà nghiên cứu rất quan tâm. Chẳng hạn sức bật tinh thần – khả năng giữ vững ý chí, tinh thần trước những khó khăn, hồi phục nhanh chóng sau khi gặp trở ngại – có thể là một yếu tố chìa khoá trong việc phòng và điều trị chứng trầm cảm.
Căng thẳng (stress) và mâu thuẫn
Sự căng thẳng có thể ập đến trước những sự kiện lớn trong cuộc sống, dù là những sự kiện tưởng chừng sẽ luôn mang màu sắc tích cực như cưới xin, hay những sự kiện không mấy vui vẻ như bị mất việc. Khi ta căng thẳng, nồng độ cortisol trong cơ thể sẽ tăng đột ngột. Một giả thuyết cho rằng nồng độ cortisol tăng cao (đặc biệt là khi kéo dài lâu ngày), nồng độ serotonin có thể bị ảnh hưởng (nhiều giả thuyết liên hệ nồng đồ serotonin thấp với chứng trầm cảm).
Sự căng thẳng, cụ thể là căng thẳng do công việc có thể dẫn tới chứng trầm cảm. Bị mất việc hoặc môi trường làm việc áp lực đều có thể trở thành các tác nhân gây stress, đặc biệt là khi bạn không cảm thấy được hỗ trợ ở nơi làm việc
Một cuộc thăm dò ý kiến được tài trợ bởi Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) từ năm 2017 tới 2019 cho biết, chỉ một nửa số người đi làm tại đất nước này cảm thấy họ có thể bàn bạc về các vấn đề sức khoẻ tâm thần ở nơi làm việc một cách cởi mở.
Bên cạnh đó, những mâu thuẫn, xung đột nơi công sở hay trong trường học cũng có thể khiến nguy cơ bị trầm cảm tăng cao. Một nghiên cứu năm 2010 tại Nhật Bản đã tìm ra mối liên hệ giữa xung đột cá nhân khi đi làm và chứng trầm cảm (đặc biệt là những mâu thuẫn giữa những nhân viên là nam giới có địa vị kinh tế xã hội tương đối cao).
Trước đó một năm, các nhà nghiên cứu người Thuỵ Điển cũng đã chỉ ra rằng, những xung đột gay gắt với đồng nghiệp hoặc sếp, cộng thêm việc cảm thấy bị tẩy chay, cô lập ở nơi làm việc có thể khiến nhân viên dễ bị trầm cảm hơn.
Mâu thuẫn ngoài xã hội không chỉ xảy ra với người lớn. Trẻ vị thành niên và trẻ em đều có thể phải đối mặt với những xung đột trong trường lớp, có thể gây ra những ảnh hưởng trước mắt hoặc lâu dài tới sức khoẻ, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Một báo cáo năm 2017 của Trung tâm Thống kê về Giáo dục Quốc gia Hoa Kỳ (National Center for Education Statistics) cho biết, 20% học sinh độ tuổi từ 12 đến 18 thừa nhận mình bị bắt nạt ở trường trong vòng một năm trước đó.
Theo CDC Hoa Kỳ, những đứa trẻ bị bắt nạt có nguy cơ gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần cao hơn, như bị trầm cảm hoặc lo âu. Ngoài ra, chúng còn dễ mắc các bệnh về thể chất như đau bụng hay đau đầu. Những người đã sẵn có nguy cơ bị trầm cảm sẽ càng có tỉ lệ mắc cao hơn nếu phải trải qua nhiều xung đột với gia đình hoặc bạn bè.
Sự tiếc thương
Quá trình thương tiếc có thể mang lại cảm giác giống chứng trầm cảm. Điểm khác biệt nằm ở chỗ nó thường có trình tự rõ ràng, thường bắt đầu sau một sự kiện (chẳng hạn như sự ra đi của người thân yêu) và dần dần được tháo gỡ, tới được giai đoạn chấp nhận sự thật.
Tuy nhiên, các nghiên cứu đang chỉ ra rằng sau khi mất người thân, người ở lại có thể rơi vào tình trạng có các đặc điểm tương tự với chứng trầm cảm bệnh lý, đặc biệt là đặc điểm về mặt thời gian (kéo dài hàng năm thay vì vài tháng).
Tình trạng này còn được biết đến là chứng đau buồn quá mức (complicated grief), thường xảy ra một người khi đột ngột mất người thân, đặc biệt là qua một cái chết thương tâm (ví dụ như tai nạn giao thông).
Để có thể chính thức công nhận chứng đau buồn quá mức là một chứng rối loạn riêng biệt, ta cần phải nghiên cứu và tìm hiểu nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, dường như nó có mối liên hệ với chứng trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau sang chấn.
Sự căng thẳng bắt nguồn từ cái chết của người thân yêu, một mất mát lớn, hay những tác nhân gây căng thẳng khác đều có thể kích hoạt trầm cảm ở những người đã sẵn dễ mắc chứng rối loạn này.
Sử dụng mạng xã hội
Nghiên cứu mạng xã hội là một nhánh nghiên cứu còn khá mới mẻ, nhưng đã có rất nhiều nhà nghiên cứu tập trung tìm hiểu xem mạng xã hội ảnh hưởng tới sức khoẻ tâm thần của chúng ta như thế nào, đặc biệt là ở giới trẻ.
Cho tới nay, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mạng xã hội có khả nắng gây ra các triệu chứng trầm cảm và lo âu bởi việc sử dụng nó có thể dẫn đến quá nhiều sự tự ti, so sánh, sợ bị bỏ lỡ (fear of missing out), bị bắt nạt/quấy rối (mà dù phải trải qua trực tiếp hay trực tuyến, đều có thể làm gia tăng nguy cơ mắc trầm cảm bất cứ lúc nào trong cuộc đời ở trẻ em).
Ngoài ra, việc lạm dụng mạng xã hội còn có thể góp phần gây ra chứng trầm cảm bởi nó làm con người ta ít hoạt động thể chất và giao tiếp ngoài đời thực hơn. Một lối sống vừa ít vận động vừa cách biệt với xã hội có thể làm suy giảm sức khoẻ tâm thần dù có dùng mạng xã hội hay không đi nữa.
Tuy nhiên, không phải nghiên cứu nào cũng chỉ tập trung vào những điểm tiêu cực. Công nghệ thông tin, mạng Internet, và cả mạng xã hội đều có thể trở thành những công cụ hữu hiệu giúp phát hiện và kiểm soát chứng trầm cảm.
Yếu tố về lối sống
Yếu tố cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó là lối sống cũng có thể ảnh hưởng tới nguy cơ mắc chứng trầm cảm, bao gồm cả những loại thuốc ta sử dụng cho tới chế độ dinh dưỡng của chúng ta.
Các loại thuốc theo đơn
Có một số loại thuốc được nghiên cứu chỉ ra là có khả năng tăng nguy cơ trầm cảm như:
– Accutane (điều trị mụn/trứng cá ác tính)
– Thuốc beta (điều trị rối loạn nhịp tim)
– Corticosteroids (hay còn gọi là corticoid, là thuốc kháng viêm)
– Interferon-alpha (dùng để chống lại ung thư/virus)
– Statins (điều trị mỡ máu)
Thuốc điều trị các chứng rối loạn tâm thần và rối loạn giấc ngủ có thể gây trầm cảm hoặc làm nó trầm trọng thêm ở một số người. Thậm chí người dưới 25 tuổi có thể có nguy cơ tự sát tăng cao hơn sau khi sử dụng một số loại thuốc chống trầm cảm. Chính vì vậy, tất cả những loại thuốc này đều có cảnh báo hộp đen (loại cảnh báo nguy hiểm nhất dành cho thuốc) từ Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Sử dụng chất
Có không hiếm người mắc các chứng rối loạn tâm thần chọn đối phó bằng rượu và ma tuý. Tuy nhiên ta cần lưu ý rằng, không chỉ một số loại thuốc kê đơn mà các loại thuốc bất hợp pháp cũng có thể gây ra trầm cảm.
Theo dữ liệu lấy từ Khảo sát Sức khoẻ và Thuốc (Drug and Health Survey) của Liên minh Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ (National Alliance ơn Mental Health), có tới 7,9 triệu người ở đất nước này đang phải chung sống với cả chứng trầm cảm lẫn chứng rối loạn sử dụng chất vào năm 2014.
Khi việc sử dụng chất kích và chứng trầm cảm đồng thời xảy ra (còn gọi là “chẩn đoán kép”), việc tìm ra phương pháp điều trị phù hợp có thể trở nên khó khăn hơn. Những trường hợp như vậy thường cần sự vào cuộc của cả một đội ngũ bác sĩ và chuyên gia sức khoẻ tâm thần có kinh nghiệm điều trị chứng rối loạn sử dụng chất.
Nếu một người cần cai nghiện, làm vậy dưới sự chăm sóc y tế chuyên nghiệp có lẽ là phương án an toàn nhất. Được điều trị ở một cơ sở chăm sóc sức khoẻ tâm thần có thể giúp họ vừa giải quyết được cả những rối loạn liên quan tới sử dụng chất lẫn các triệu chứng trầm cảm đi kèm.
Hoạt động thể chất và chế độ dinh dưỡng
Theo kết quả của các nghiên cứu gần đây, những người trưởng thành bị trầm cảm nhẹ có thể tránh để nó trở nên nghiêm trọng bằng việc thực hiện một số thay đổi trong lối sống. Chế độ ăn uống và một số vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng tới sự hình thành của chứng trầm cảm.
Các nghiên cứu cho thấy một số chế độ ăn, chẳng hạn như chế độ ăn Địa Trung Hải, có thể giúp người lớn tuổi tránh bị trầm cảm. Mặt khác, những chế độ ăn nhiều đường và chất béo trans (đặc biệt là trong đồ ăn đã được chế biến quá nhiều) có thể làm chứng trầm cảm trở nên trầm trọng hơn, nhất là khi kết hợp với lối sống ít vận động.
Những chế độ ăn như vậy có thể làm gia tăng nguy cơ bị trầm cảm bởi lẽ nó dễ khiến người ăn tăng cân hơn. Mặc dù vậy, chỉ riêng việc tăng cân không phải lúc nào cũng sẽ dẫn tới trầm cảm. Mặc dù việc tăng cân thường được coi là một trong nhiều nguyên nhân góp phần hình thành chứng trầm cảm, chế độ ăn nhiều đường và chất béo trans còn có thể dẫn tới trầm cảm theo những cách khác nữa.
Khi ăn chế độ ăn này, người ăn có thể bị rối loạn vi khuẩn đường ruột, gây ra hội chứng rò rỉ ruột. Khi đó, hệ miễn dịch sẽ được báo hiệu và sản sinh ra cytokine, một loại protein có khả năng vượt qua hàng rào máu não và làm thay đổi các chất hoá học trong não bộ. Chẳng hạn, một số loại cytokine có thể khiến não bộ thay vì sản sinh serotonin thì làm ra glutamate. Khi có quá nhiều glutamate, các tế bào có thể bị tổn thương hoặc thậm chí là chết.
Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2018 cho thấy việc thừa cân tăng nguy cơ mắc trầm cảm, kể cả khi không gặp phải các vấn đề sức khoẻ liên quan trực tiếp tới việc thừa cân như huyết áp cấp hay tiểu đường tuýp 2.
Ngoài chế độ ăn uống, ta cũng không còn xa lạ với những lợi ích sức khoẻ của việc tập thể dục. Hiện nay, các nhà nghiên cứu còn đang tìm hiểu tác dụng của việc tập thể dục trong việc hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng của chứng trầm cảm.
Một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, việc tập luyện thường xuyên và ăn uống điều độ không chỉ giúp kiểm soát mà còn góp phần ngăn chặn được chứng trầm cảm. Gần đây, những kết quả nghiên cứu này lại một lần nữa được các nhà khoa học kiểm chứng và xác nhận.
Lời kết
Mọi người ai cũng sẽ có những trải nghiệm riêng khi phải sống chung với chứng trầm cảm các tác nhân ảnh hưởng tới sự hình thành và tiến trình của sự trầm cảm của mỗi người cũng vì thế mà không giống nhau.
Các chứng rối loạn tâm thần không hề hiếm gặp và hoàn toàn có thể chữa được, nhưng đôi khi ta cần một chút kiên nhẫn để tìm ra phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả nhất.
Khi bị trầm cảm hay có nguy cơ bị trầm cảm cao, việc tìm tới các bác sĩ và chuyên gia sức khoẻ tâm thần để được giúp đỡ, lên các chiến lược để đối phó ở trường và nơi làm việc, hay nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè và gia đình đều là những yêu cầu rất quan trọng để có thể cải thiện tình hình.
Mất ngủ và 10 câu hỏi thường gặp
Bạn có bao giờ đặt câu hỏi về những ảnh hưởng của việc bạn mất[...]
Th6
Niềm đam mê thực sự
Đam mê thực sự là gì? Bạn có cảm thấy mình đang sống một cuộc[...]
Th5
Mối quan hệ rạn nứt và 8 cách hàn gắn
Mối quan hệ rạn nứt 8 cách hàn gắn 8 phương pháp hàn gắn mối[...]
Th5
Thôi miên và Đức tin: 4 điều bạn cần biết
4 điều cần biết về Thôi miên và Đức tin Thôi miên có làm[...]
Th5
5 cách sử dụng Thôi miên trong trị liệu Tâm lý
5 cách sử dụng Thôi miên trong trị liệu Tâm lý Thôi miên có giúp[...]
Th5
3 khác biệt giữa Thôi miên và Thao túng tâm lý
3 khác biệt tiêu biểu giữa thôi miên và thao túng tâm lý Thôi miên[...]
Th5
Thôi miên an toàn với 5 điều lưu ý
Thôi miên an toàn với 5 điều lưu ý Thôi miên có nguy hiểm? Thôi[...]
Th5
4 lý do chứng minh Thôi miên đáng tin cậy
Thôi miên là một trong những công cụ hỗ trợ bình thường, được sử dụng[...]
Th5